Phân loại học Pyrocephalus obscurus

Một mẫu vật chim đớp ruồi đỏ son ở bảo tàng từ năm 1890

Họ Đớp ruồi bạo chúa là một nhóm các loài thuộc bộ Sẻ hiện diện duy nhất ở châu Mỹ. Các thành viên của họ này đa phần đều có màu sắc không mấy nổi trội.[3] Trong đó, phân họ Fluvicolinae bao gồm các chi Pyrocephalus, Contopus, EmpidonaxSayornis. Có thể chúng từng thuộc về một tổ tiên chung với chi Contopus hoặc Xenotriccus, nhưng vì lý do nào đó mà bị phân nhánh ra. Về mặt hình thái học, Pyrocephalus có liên quan chặt chẽ nhất với Sayornis. Tuy nhiên, phân tích di truyền lại chỉ ra rằng chi chim này có liên quan chặt chẽ hơn với Fluvicola.[2]

Mô tả đầu tiên về chim đớp ruồi đỏ son do John Gould đề xuất vào năm 1839. Ông cũng là cha đẻ của chi Pyrocephalus mà ta biết ngày nay. Gould định danh loài mới phát hiện của mình là Pyrocephalus obscurus, dựa vào các mẫu vật mà Charles Darwin mang về trong chuyến hải hành thứ hai của tàu HMS Beagle, kéo dài từ năm 1831 đến 1836.[4][5] Loài này sau đó được nhà động vật học người Anh George Robert Gray định danh là Pyrocephalus rubinus vào năm 1840, dựa trên mẫu vật khác của Darwin lấy từ quần đảo James.[6][7] Năm 2016, một nghiên cứu di truyền phân tử đã thay đổi nguyên tắc phân loại của loài, tách ra một số loài mới và tái định danh loài này là Pyrocephalus obscurus.[8] Trước khi nghiên cứu, chim đớp ruồi đỏ son được coi là một chi đơn loài, nhưng ngày nay, các nhà phân loại học (bao gồm Hiệp hội Sinh vật học Quốc tế) đã tách ba trong số các phân loài của chúng ra thành những loài riêng biệt. Đó là chim đớp ruồi Darwin, chim đớp ruồi San Cristóbalchim đớp ruồi đỏ tươi.[9]

Tên chi Pyrocephalus trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "đầu lửa"[10] hoặc "đầu ngọn lửa".[11]:326 Danh pháp hai phần obscurus trong tiếng Latin có nghĩa là "tối" hoặc "sẫm".[11]:278 Tên thông thường của loài này bắt nguồn từ màu sắc rực rỡ cũng như mối quan hệ của chúng trong họ Đớp ruồi bạo chúa, vốn phản ánh rõ nét thông qua chế độ ăn giàu côn trùng.[2]

Phân loài

Một con P. o. mexicano ở San Augustin Etla, Oaxaca, Mexico

Trước kia, nhiều học giả cho rằng chim đớp ruồi đỏ son có từ 11 đến 13 phân loài (đôi khi cùng một nòi). Tuy vậy, một nghiên cứu di truyền phân tử vào năm 2016 đã xác nhận con số này là chín, đồng thời tách ba phân loài ban đầu ra thành những loài riêng biệt (P. nanus—chim đớp ruồi Darwin, P. dubius—chim đớp ruồi San Cristóbal, P. rubinus—chim đớp ruồi đỏ tươi), cũng như loại bỏ một phân loài không hợp lệ (P. major). Vài công trình nghiên cứu vẫn cho rằng tên khoa học của chim đớp ruồi đỏ son là Pyrocephalus rubinus, trong khi Pyrocephalus rubinus lại là tên khoa học của loài chim đớp ruồi đỏ tươi.[8][9][12] Chim đớp ruồi đỏ son có khả năng là đã tiến hóa vào khoảng 1,15 triệu năm trước, tách ra khỏi một số loài trên quần đảo Galápagos vào thời điểm cách nay 820 nghìn năm. Sau đó, khoảng 560 nghìn năm trước, các phân loài của loài này ở Nam Mỹ chính thức hợp nhất lại. Đến 310 nghìn năm tiếp theo, các cá thể ở Bắc Mỹ lại tách ra từ các cá thể ở Nam Mỹ, tạo ra một phân loài mới.[8]

Có chín phân loài được biết đến rộng rãi. Giữa chúng có sự khác nhau chủ yếu về màu, độ bão hoà màu của bộ lông con trống và màu, số lượng vệt của con mái. Ranh giới địa lý của một số phân loài vẫn chưa được xác định rõ ràng:[9]

  • P. o. obscurus (Gould, 1839) là phân loài chỉ định,[lower-alpha 1] phân bố ở vùng Lima thuộc miền Tây Peru.[9]
  • P. o. mexicanus (Sclater, 1859) thường sinh sống ở miền Nam Texas, Hoa Kỳ, kéo dài về phía nam đến miền Trung và miền Nam Mexico.[9] Sắc đen trên phần thân trên của chúng nổi trội hơn bất kỳ cá thể chị em nào khác trong loài. Tại những phần có màu đỏ trên thân thể, con trống thường không có bất kỳ đường vằn nào.[2] Phân loài này được đặt tên theo đất nước Mexico.[11]:252
  • P. o. saturatus (von Berlepsch và Hartert, 1902) được tìm thấy ở vùng Đông Bắc Colombia, miền Tây và miền Bắc Venezuela, Guyana cũng như miền Bắc Brazil.[9] Con mái có phần bụng màu hồng.[2] Saturatus có nghĩa là "màu sắc lộng lẫy" trong tiếng Latin.[11]:54
  • P. o. blatteus (Bangs,1911) sống chủ yếu ở phía Đông Nam Mexico, Belize và phía bắc Guatemala.[9] Phần thân trên của chúng hơi nhạt màu, bù lại phần thân dưới đỏ hơn so với phân loài chỉ định, nhưng lại thiếu một ít sắc cam. Ngoài ra, phân loài này cũng nhỏ hơn so với các phân loài khác trên khắp Mexico.[2] Blatteus có nghĩa là "sắc tím" trong tiếng Latin.[11]:73
  • P. o. flammeus (van Rossem, 1934) phân bố tập trung ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ và Tây Bắc Mexico.[9] Phần thân trên nhạt màu, hơi xám, phần dưới có sắc cam nổi bật hơn so với phân loài chỉ định. Những cá thể trống thường có các đường vằn màu cam ở đỉnh đầu và ngực, trong khi ở những cá thể mái, những đường vằn này ít thấy hơn.[2] Flammeus có nghĩa là "sắc hỏa" trong tiếng Latin.[11]:54
  • P. o. ardens (Zimmer, 1941) được tìm thấy ở phía bắc Peru, vùng cực đông Piura, CajamarcaAmazonas.[9] Chúng có màu sắc "đỏ rực". Mặt trước nơi đỉnh đầu của con mái có màu hồng phớt.[2] Ardens có nghĩa là "rực cháy" trong tiếng Latin.[11]:54
  • P. o. cocachacrae (Zimmer, 1941) phân bố chủ yếu ở Tây Nam Peru đến cực bắc Chile.[9] So với phân loài chỉ định thì ở các cá thể trống, lớp lông của chúng nâu hơn, phần thân dưới đỏ nhạt hơn, trong khi bộ phận này ở các cá thể mái sẫm màu hơn. Vùng sinh sống chủ yếu của P. o. cocachacrae là quận Cocachacra ở Peru.[2]
  • P. o. piurae (Zimmer, 1941) sống ở miền Tây Colombia, trải dài về phía nam đến Tây Bắc Peru. Tên của phân loài này dựa theo tên theo tên tỉnh Piura ở Peru.[9][11]:309
  • P. o. pinicola (Howell, 1965) được tìm thấy ở miền Đông Honduras và Đông Bắc Nicaragua.[9] So với P. o. blatteus, phân loài này nhỏ hơn. Nhưng nếu so về những cá thể mái, phần thân dưới của P. o. pinicola có màu cam đậm hơn. Do nơi sinh sống ưa thích của phân loài này nằm trong những trảng cỏ thông nên chúng mới có tên là Pinicola, tạm dịch là "cư dân cây thông" từ tiếng Latin.[2][11]:307